7 loại trà giúp kiểm soát đường huyết
Trà xanh, trà hoa cúc, trà hoa dâm bụt… là những đồ uống giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm kháng insulin.
Trà không đường là một lựa chọn đồ uống ít calo cho người bệnh tiểu đường vì không làm tăng đột biến lượng đường trong máu. Trà chứa các hợp chất hoạt tính giúp kiểm soát đường huyết và giảm viêm.
Trà xanh
Theo nghiên cứu của Đại học Wisconsin (Mỹ), lá trà chứa nhiều polyphenol và caffeine, có thể cải thiện tình trạng kháng insulin, ngăn chặn tăng đường huyết, tăng cường khả năng miễn dịch và làm giảm tổn thương tế bào thần kinh do bệnh tiểu đường gây ra. Trà xanh giúp giảm viêm và kiểm soát lượng đường trong máu. Nghiên cứu của Đại học Kyushu (Nhật Bản) cho thấy, uống hơn 7 tách trà xanh mỗi ngày giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường ở phụ nữ.
Trà đen
Nghiên cứu của Trung Quốc cũng cho thấy, trà đen và cả trà xanh đều có tác dụng bảo vệ chống lại sự phát triển của một số bệnh gồm cả tiểu đường và các biến chứng, giúp kiểm soát đường huyết. Theo nghiên cứu của Thái Lan, uống trà đen làm giảm đáng kể lượng đường trong máu sau bữa ăn. Kết quả này đúng cho cả người khỏe mạnh và người bệnh tiền tiểu đường.
Trà hoa cúc
Trà hoa cúc có thể tối ưu hóa điều chỉnh lượng đường trong máu và bảo vệ cơ thể khỏi căng thẳng oxy hóa dẫn đến các biến chứng tiểu đường. Nghiên cứu của Đại học Khoa học Y tế Tabriz (Iran) trên 64 người bệnh tiểu đường cho thấy, người uống trà hoa cúc 3 lần mỗi ngày trong 8 tuần cải thiện đáng kể đường huyết và chất chống oxy hóa.
Trà hoa dâm bụt
Nghiên cứu của Đại học Hoằng Quang (Đài Loan, Trung Quốc), trà dâm bụt có thể làm giảm kháng insulin. Chiết xuất polyphenol từ hoa dâm bụt có tác dụng cải thiện tình trạng kháng insulin và có thể là chất bổ trợ ngăn ngừa bệnh thận do tiểu đường. Nghiên cứu khác của Iran, uống trà dâm bụt hai lần một ngày trong một tháng cũng có thể giảm tăng huyết áp ở người bệnh tiểu đường.
Trà tía tô đất
Nghiên cứu của Đại học Khoa học Y tế Iran cho thấy, những người mắc bệnh tiểu đường tuýp hai tiêu thụ viên nang chiết xuất từ tía tô đất trong 12 tuần cải thiện kiểm soát đường huyết và các yếu tố nguy cơ tim mạch. Dựa trên kết quả này, các nhà nghiên cứu cho rằng, uống trà tía tô đất có thể có những tác dụng tương đương, giúp kiểm soát đường huyết.
Trà quế
Trà quế góp phần giảm lượng đường trong máu. Theo một nghiên cứu của Bồ Đào Nha, 30 người có lượng đường trong máu bình thường uống khoảng 103,5 ml trà quế trước khi uống dung dịch đường, cho thấy lượng đường trong máu thấp hơn so với nhóm chỉ uống dung dịch đường.
Trà nghệ
Củ nghệ có chứa hoạt chất curcumin. Các nhà khoa học Canada nghiên cứu trên người và động vật chỉ ra, curcumin làm giảm lượng đường trong máu bằng cách cải thiện độ nhạy insulin và hấp thu glucose của các mô.
Uống trà thêm đường hoặc mật ong có thể ảnh hưởng đến việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Người bệnh tiểu đường nên uống trà không đường để tránh tăng đường huyết. Để tạo hương vị, người bệnh có thể thêm chanh, quế, các loại trái cây hoặc thảo mộc khác thay vì đường. Trà đóng gói có thể chứa thêm đường, vì vậy, bạn nên kiểm tra thành phần trước khi sử dụng.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)