CẦN CHUẨN BỊ GÌ CHO VIỆC TIÊM CHỦNG COVID-19 SẮP TỚI
Sắp tới, TP.HCM sẽ diễn ra một đợt tiêm chủng lớn chưa từng thấy để phòng ngừa sự lan rộng của đại dịch COVID-19. Thiết nghĩ, cộng đồng nên có những thông tin sau đây để hiểu và cùng phối hợp với các đơn vị chức năng, nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho đợt tiêm chủng này.
1. Có phải chích vaccine là không bao giờ nhiễm bệnh hay không?
Không! Vaccine nào cũng vậy, tỷ lệ ngừa được bệnh dao động từ 60-95%, không thể đạt 100%. Tuy nhiên, điều quan trọng của vaccine là lỡ chẳng may bị nhiễm thì hiếm khi bị nặng và do đó nguy cơ tử vong là rất thấp (so với người không chích).
2. Chích ở đâu là an toàn?
Chích tại những cơ sở y tế đã được cấp phép. Điều này bạn khỏi lo. Y tế địa phương sẽ lên danh sách và thông báo với bạn ngày chích, nơi chích. Chỉ cần làm theo đúng như vậy.
3. Cần chuẩn bị gì trước khi chích?
Trước nhất là chuẩn bị tinh thần. Phải thông suốt đây là việc cần làm, tốt cho mình, cho gia đình và cho cộng đồng. Kế đó phải chuẩn bị về mặt sức khoẻ, ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc. Trước khi chích các nhân viên y tế (NVYT) sẽ khám cho bạn trước để đảm bảo là bạn an toàn. Họ sẽ đưa cho bạn 2 tờ giấy: Phiếu sàng lọc và Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng (sẽ nói rõ ở phần sau). Bạn nên đọc kỹ và khai vào 2 tờ giấy này. Có gì không rõ thì hỏi lại cho rõ, không viết đại.
4. Phiếu sàng lọc:
Mục đích để lọc ra ai an toàn, ai có nguy cơ khi chích. Sau khi điền họ tên, ngày sinh, địa chỉ, … sẽ có vài câu hỏi. Cụ thể:
- Có đang mắc bệnh cấp tính không? Tức là trong thời gian gần đây (thường là 1 tuần) có bệnh gì mới xảy ra không (sốt, ho, tiêu chảy, ói mửa, nhọt da, nhức đầu, chảy mủ tai, v.v…)
- Có tiền sử dị ứng gì không? Nhớ lại xem trước giờ mình có bị dị ứng sau ăn món gì đó không, hoặc sau chích uống hay thoa thuốc, hoặc sau khi tiếp xúc với hoá chất không, … Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng, có thể nổi mề đay, đỏ da, ngứa, hay khò khè, khó thở, sưng môi sưng mặt, hoặc thậm chí tụt huyết áp. Nếu không rõ hãy hỏi NVYT hướng dẫn thêm.
- Tiền sử tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày: trong 14 ngày qua có tiêm vaccine nào khác không.
- Tiền sử rối loạn miễn dịch, ung thư, cắt lách, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch: nếu không rõ hãy hỏi NVYT hướng dẫn thêm.
- Tiền sử rối loạn đông cầm máu hoặc dùng thuốc kháng đông: có bị bệnh “máu không đông” không, mỗi lần nhổ răng hay đứt tay máu có chảy hoài khó cầm không, hoặc một số người bị bệnh tim mạch phải uống thuốc kháng đông mỗi ngày không. Nếu không rõ hãy hỏi NVYT hướng dẫn thêm. Nên mang theo sổ khám bệnh có ghi thuốc mà bạn đang uống mỗi ngày theo khi đi chích.
- Có đang mang thai hay cho con bú không.
5. Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng: phiếu này cũng ngắn thôi, nói về lợi ích của tiêm chủng cũng như những phản ứng bất lợi không mong muốn và cách giải quyết. Nếu chúng ta đồng ý thì ký tên.
6. Ngày tiêm chủng cần làm gì? Tinh thần phải thoải mái, đừng để bụng đói, tắm sạch sẽ, nhất là cánh tay trái là nơi sẽ chích ngừa. Mang theo 1 cây viết cho riêng mình và gia đình. Đeo khẩu trang và faceshield đến nơi chích. Ngồi giãn cách 2m với người khác. Không nói chuyện. Hạn chế chạm tay vào những nơi không cần thiết. Mang theo chai rửa tay nhanh nhỏ gọn và thường xuyên rửa tay nhanh. Làm theo hướng dẫn của NVYT.
7. Chích xong cần làm gì?
- Ở lại 30 phút để theo dõi.
- Không đắp, không day, không xoa nơi chích. Chỉ vịn miếng gòn nếu NVYT yêu cầu.
- Tự theo dõi các dấu hiệu (xin xem hình, mục số 4)
- Sau 30 phút, NVYT sẽ khám lại, đo huyết áp, nếu ổn thì cho về. Cần phải theo dõi sát sao trong 24 giờ đầu và tiếp tục theo dõi trong 7 ngày sau chích. NVYT sẽ cho mình QR code để khai báo mỗi ngày.
- Để sẵn ở đầu giường vài viên hạ sốt và 1 cái áo lạnh.
- Xin số điện thoại của cơ sở y tế mà mình chích ngừa và số điện thoại của bệnh viện gần nhà bạn nhất, về ghi ra tờ giấy A4 dán lên tường để ai cũng có thể thấy.
8. Khi nào cần quay lại cơ sở y tế ngay lập tức?
- Khi có các triệu chứng như mục số 5 trong hình. Ngoài ra, nếu bạn có triệu chứng gì khác không có ghi trong đây mà bạn cảm thấy không khoẻ hay lo lắng về nó, hãy gọi ngay cơ sở y tế.
Nguồn: Nguyễn Anh Tuấn