Đun trà xanh thế nào để thơm ngon, còn dinh dưỡng?
Đọc sách báo tôi biết được nhiều công dụng của trà xanh, đặc biệt chúng rất hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị một số bệnh. Tôi biết được cách pha chế trà như sau: rửa sạch lá trà, vò bóp, sau đó cho vào nồi đun sôi 5-10 phút để uống dần trong ngày.Phương pháp này có đúng không? Có làm mất đi các chất có lợi trong lá trà không?
TRẦN VĂN THANH ( Quận 8, TP.HCM)
-Dược sĩ LÊ KIM PHỤNG trả lời:
Trà xanh là một loại thức uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như phòng ngừa các bệnh tim mạch, hạ cholesterol trong máu, giảm béo phì, tăng cường chống oxy hóa tế bào phòng chống ung thư, làm đẹp da, bảo vệ răng miệng, tăng sức đề kháng chống lại các vi trùng gây bệnh…
Trà xanh có nhiều loại, loại lá tươi nghĩa là sau khi hái thì dùng ngay. Loại trà đen là đã trải qua quá trình lên men, oxy hóa nên lá thành màu đen, loại này ít polyphenol và có vị đắng. Trà tươi không bảo quản được lâu, nên dùng trong ngày, tránh để qua đêm sẽ bị nhiễm khuẩn.
Để có một chén trà đủ hương vị và không làm thất thoát những chất có lợi cho sức khỏe thì khi pha chế cần phải đúng và tuân thủ một số nguyên tắc sau: dụng cụ chứa trà (nồi đất nung màu nâu có tay cầm), nước để nấu trà (nước máy tốt nhất nên đun sôi trước để bỏ mùi clo), nhiệt độ (80 độ C), kể cả chén uống trà (chén sứ hoặc thủy tinh), thời gian đun (tùy lượng trà nấu)... Thông thường, 100 gam lá trà tươi thì đun trong 1 lít nước, với thời gian đun khoảng 10 phút.
Tuy nhiên, nếu chế biến trà không đúng quy cách mà vẫn uống mỗi ngày thì cần chú ý một số độc tính tiềm tàng trong trà xanh như florua, nhôm. Hai chất này có độc tính cao, nếu thêm chanh vào trà sẽ làm tăng đáng kể sự hấp thụ nhôm, có thể gấp 10 lần.
XUÂN MAI ghi
Trích báo Tuổi Trẻ (8/10/2018)